Anh hùng LLVT nhân dân, Trung tướng Tiêu Văn Mẫn
Chúng tôi gặp Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Tiêu Văn Mẫn – người trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều trận đánh và giành thắng lợi lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Tây Nguyên (B3) cách đây hơn nửa thế kỷ tại nhà riêng ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Dù đã bước sang tuổi 90 nhưng Trung tướng Tiêu Văn Mẫn vẫn còn rất tinh anh, khí chất rạng ngời cùng nụ cười hiền với chất giọng người con quê hương Quảng Ngãi. Nếu ai tiếp xúc cũng nhận ra nội tâm sâu thẳm của ông hiền từ nhưng trong cuộc chiến ông lại là một người cực kỳ gan dạ, dũng cảm, dứt khoát. Ông nhớ về thời kỳ hào hùng chiến đấu “không biết sợ, không màng đến sự hy sinh mà chỉ nghĩ đến chiến thắng” trong những năm tháng đầy gian khổ bên đồng đội tại chiến trường Tây Nguyên.
Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầy vinh dự, tự hào, là sự ghi nhận cả một quá trình nỗ lực không ngừng, chiến đấu vì Tổ quốc, ở tuổi gần 90, ông nhớ về những trận đánh nào nhất?
-Từ khi kháng chiến cho tới khi kết thúc, tôi đã tham gia tổng cộng 67 trận đánh lớn, nhỏ. Cũng may mắn tôi chưa bao giờ bị thương và vô cùng thiện chiến. Có 2 trận đánh tôi nhớ nhất trong cuộc đời của mình và đều ở chiến trường Tây Nguyên.
Thứ nhất, trận phòng ngự Ngọc Bờ Biêng kìm chân Lữ đoàn dù 173 Mỹ, để chủ lực Mặt trận đánh tiêu diệt. Hôm đó, tôi đi kiểm tra trận địa, được tin Mỹ đổ bộ một tiểu đoàn, cách trận địa phòng ngự của ta chỉ 200m. Thời cơ diệt địch đã đến, tôi điện thoại cho Tiểu đoàn trưởng đề nghị tổ chức mũi thọc sâu, còn tôi chỉ huy giữ vững trận địa.
Khi địch tiến lên, anh em đòi bắn ngay tôi không cho bắn. Tôi nói để địch lên gần 30m rồi bắn. Chờ địch lại gần tôi dùng súng AK bắn chết 5 lính Mỹ, cả trận địa nổ súng theo. Cùng đó, tiểu đoàn vây hai bên sườn, tấn công địch chết như ngả rạ. Lúc này, địch bắt đầu lùi lại bắn pháo dữ dội.
Địch bắn pháo quyết liệt cũng khiến một số anh em đồng đội bị thương được đưa xuống hầm trú ẩn. Lúc này, tôi chỉ huy anh em ở sườn trái đánh giáp lá cà. Sau đó, quân Mỹ nhiều lần tấn công, nhưng trận địa của đơn vị vẫn giữ vững. Sau trận này, tôi được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Ngày đó, cán bộ từ đại đội đến trung đoàn đều dùng AK, ít khi mang súng ngắn. Tôi giáp mặt với quân địch là chiến đấu như một tay chuyên dùng súng ngắn.
Trận thứ 2, tôi chỉ huy diệt gọn Đại đội Lôi Hổ của ngụy và bắn rơi 1 máy bay trực thăng vào tháng 10/1968. Lôi Hổ là tên của lực lượng biệt kích đặc biệt tinh nhuệ thường nhảy dù nhằm trinh sát, tập kích các đơn vị chủ lực của ta. Hôm đó, đang chỉ huy đơn vị, tôi nhận được tin có đại đội biệt kích Lôi Hổ đổ bộ xuống một quả đồi và đang đào công sự.
Trung tướng Tiêu Văn Mẫn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) cùng các tác giả
Lệnh của Mặt trận giao cho Tiểu đoàn 6 tổ chức đánh tập kích, tiêu diệt đại đội này. Nhận lệnh, tôi chỉ huy đơn vị chia làm 2 mũi nổ súng đánh bất ngờ làm cho địch lúng túng, vội vàng gọi điện xin máy bay trực thăng đến giải thoát.
Biết máy bay địch đến ứng cứu, tôi chỉ đạo đơn vị để cho chúng hạ cánh ở gần mặt đất thì mới nổ súng. Sau đó, chúng tôi đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay trực thăng địch và tiếp tục chiến đấu với những tên ngoan cố chống cự. Trận đánh này đặc biệt nhớ mãi bởi không tổ chức sở chỉ huy ở phía sau mà cán bộ bám sát bộ đội để chỉ huy chiến đấu. Đơn vị của tôi khi ấy đã tiêu diệt hoàn toàn Đại đội Lôi Hổ khét tiếng của quân ngụy. Sau trận đánh lớn đó, tôi cùng đồng đội được khen thưởng.
Tôi ra trận cùng chiến đấu tăng thêm nghị lực, tinh thần cho anh em. Tôi vừa chỉ huy vừa đánh. Trong chiến đấu, đồng đội rất dũng cảm, không biết sợ là gì, không nghĩ đến chuyện hy sinh, chỉ nghĩ đến chiến thắng. Anh em đi đánh trận hừng hực khí thế, không biết sợ. Người chỉ huy càng vững vàng hơn, quyết tâm đánh thắng bất kỳ kẻ địch nào.
Trung tướng Tiêu Văn Mẫn luôn xúc động khi kể về những cơ cực của gia đình thuở hàn vi.
Chỉ riêng 2 trận đánh ông vừa kể đã cho thấy khí chất anh hùng của bộ đội cụ Hồ, quyết tâm giết giặc để bảo vệ Tổ quốc. Ông có được thừa hưởng điều này từ gia đình hay có lý do nào khác?
Tôi sinh năm 1933 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc đời của tôi từ một tá điền và trưởng thành tới bây giờ là Trung tướng, Anh hùng LLVTND. Bố mẹ tôi sinh ra 5 người con đầu đều mất. Sau đó, bố mẹ tôi vì quá đau buồn đã lên chùa ở Quảng Ngãi cầu xin cho anh trai và tôi sống (hai người con thứ 6 và 7). Ba tôi quyết định đặt tên cho anh là Xin, còn tôi là Thêm. Lớn lên đi học, hai anh em tôi được đổi tên lần lượt là Minh và Mẫn.
Từ bé tôi đã đi ở cho một gia đình giàu có trong làng để lấy gạo hàng tháng phụ giúp gia đình. Cho tới khi gần 18 tuổi, tôi đi dân công theo bộ đội và nhập ngũ luôn (năm 1951).
Vì sao ông sớm có quyết định đi theo bộ đội để rồi sau này dành trọn cuộc đời binh nghiệp?
– Khi đó cuộc sống khổ quá, thêm nữa, quân đội Pháp thường xuyên đánh bom vào quê hương nơi tôi sinh sống. Trong lòng tôi khi ấy hừng hực tức giận. Từ căm thù quân Pháp, tôi quyết tâm xung phong theo bộ đội đi đánh giặc, chiến đấu trước khi tròn 18 tuổi vài tháng và theo đường binh nghiệp cho đến khi nghỉ hưu.
Quá trình chiến đấu đánh giặc, tôi chủ yếu hoạt động tại chiến trường Tây Nguyên (B3). Tôi được phân công vào Tiểu đoàn 375 trực thuộc quân khu V, làm chiến sĩ anh nuôi. Sau đó, tôi được trực tiếp tham gia chiến đấu trong các chiến dịch chống Pháp trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Tôi vào bộ đội rồi đi học và trải qua nhiều đơn vị khác nhau nhưng những kỷ niệm in dấu cuộc đời vẫn là ở Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24A…
Trong mỗi trận đấu, tôi chiến đấu hết mình, lập công xuất sắc nên được chi bộ kết nạp Đảng khi mới được một năm tuổi quân. Năm 1955, kháng chiến chống Pháp kết thúc, tôi được lệnh tập kết ra Bắc rồi được cử đi học lớp đào tạo sĩ quan chính trị đầu tiên của quân đội, tại trường sĩ quan Lục quân 1 (thị xã Sơn Tây).
Ông được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ – khá hiếm đối với cán bộ cấp tiểu đoàn bấy giờ. Ông có thể chia sẻ để mọi người rõ hơn vì sao mình vinh dự được danh hiệu này?
– Thời điểm đó, khoảng tháng 10/1967, tiểu đoàn chúng tôi hành quân lên đỉnh núi Ngọc Bờ Biêng, đến nửa đường thì gặp lính Mỹ. Tôi lúc này là Chính trị viên phó Tiểu đoàn được phân công chỉ huy đội hậu phẫu, vận tải và một số đồng chí vệ binh, liên lạc, thông tin ở phía sau đội hình tiểu đoàn.
Khoảng hơn 12 giờ trưa, giặc Mỹ cho 1 đại đội đánh vào đội hình của tiểu đoàn do tôi chỉ huy. Khi đó chúng tôi phòng ngự ở Ngọc Bờ Biêng, còn địch tấn công lên. Chúng tôi quyết tâm dù bất kỳ lý do nào phải giữ bằng được thế trận. “Câu” được lực lượng địch nhảy dù xuống để các đơn vị khác của ta tập trung bao vây tiêu diệt. Cả bộ phận chỉ có 15 tay súng, anh em chiến đấu rất dũng cảm, tiêu diệt được hơn 20 tên Mỹ, thu 15 súng, riêng tôi bắn chết 3 tên Mỹ, buộc bọn Mỹ phải tháo chạy. Trong trận này, ta bảo vệ an toàn cho những người lính bị thương và đội phẫu. Sau trận đánh về, anh em báo công, trên xét thấy thành tích diệt Mỹ của tôi và công nhận danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ.
Trong số các chiến trường, Tây Nguyên được coi chiến trường gian khổ nhất về đời sống của người lính bởi những hạn chế trong quá trình cứu trợ, vận chuyển lương thực. Quãng thời gian đồng cam cộng khổ cùng đồng đội, Trung tướng nhớ kỷ niệm nào nhất?
-Chiến trường Tây Nguyên khi ấy đầy gian khổ, khổ nhất là sốt rét, thiếu muối, thiếu gạo. Đến muối cũng không có mà ăn, có thời điểm phải đốt cây cỏ tranh thành tro trộn lẫn vào cơm ăn thay muối. Tôi nhớ cuối năm 1969, thiếu muối quá, khổ quá, tôi ra Tỉnh đội Kon Tum xin Chính ủy Tỉnh đội một ít muối.
Muối được xin về chia đều cho mỗi người một ít, ai cũng phấn khởi. Anh em rang muối với mỡ ăn với cơm, chia ngọt sẻ bùi với nhau. Phải nói Tây Nguyên không như mặt trận khác, khi ấy khó khăn vô vàn. Năm 1968, 1969, bộ đội ăn chỉ có 2 lạng gạo mỗi ngày, còn lại là rau rừng, sắn, thi thoảng tôi đi săn được thú rừng cải thiện. Khó khăn là thế nhưng tâm thế chiến đấu không bao giờ cho phép mình và đồng đội lùi bước.
Tôi nghe nhiều đồng đội của Trung tướng có kể lại, ông từng đề nghị quân khu cấp đất đồng đội mình có gia đình mà chưa có nhà ở để “an cư lạc nghiệp”. Riêng ông vẫn ở nhà công vụ, đến khi về hưu trả lại cho Quân khu. Vì sao ông có quyết định này?
– Khi làm Chính uỷ quân khu 5, Thường vụ giao quân khu phụ trách đất đai. Đất khi đó rộng lắm. Đất nước hết chiến tranh, đời sống người dân khá lên rồi, nhưng phần lớn anh em cán bộ quân khu từ lái xe đến công nhân viên quốc phòng có gia đình nhưng đều chưa có nhà ở. Tôi suy nghĩ, anh em phải an cư mới lạc nghiệp.
Trên cương vị Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng nhà đất Quân khu, tôi đề nghị và đã được Thường vụ Đảng ủy Quân khu đồng ý cấp đất cho anh em có gia đình mà chưa có nhà ở.
Sau đó, 2.500 suất đất được chia cho anh em tại khu đất dọc con đường bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) năm 1992. Sau cơ quan kiểm tra, ai có gia đình cấp trước, sau ai lập gia đình cấp tiếp, mọi người phấn khởi lắm.
Đến năm 68 tuổi nghỉ hưu, tôi về Hà Nội với gia đình. Khi đó tôi không nhận đất cho riêng mình vì mình ở nhà công vụ rồi. Tôi cũng không bao giờ tiếc nuối mà rất vui và hạnh phúc khi giúp đỡ được nhiều đồng đội có nơi ăn chốn ở.
Là cán bộ mình phải gương mẫu, giữ phẩm chất Đảng viên không tham lam, mình có nhà ở rồi lấy đất không ai chấp nhận. Giữ vững trong sáng tốt nhất, khổ tí nghèo tí nhưng lòng thanh thản.
Để có một Anh hùng LLVTND Tiêu Văn Mẫn như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến bóng dáng của người phụ nữ là hậu phương vững chắc giúp ông yên tâm đi đánh giặc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhà nước giao phó. Xin ông chia sẻ đôi nét về người vợ của mình?
Năm 1962, tôi được cử đi học lớp đào tạo sĩ quan chính trị đầu tiên của quân đội, tại trường sĩ quan Lục quân 1 (thị xã Sơn Tây). Lúc này, tôi quen thân với một anh bạn. Qua tiếp xúc, anh ấy quý mến tôi rồi bảo “Cậu quê Quảng Ngãi không có ai thân thiết, thứ Bảy, Chủ nhật về nhà tôi chơi”. Tôi về nhà anh ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội và có cảm tình với em gái anh ấy kém tôi 3 tuổi.
Anh ấy cười vui bảo “Nếu thích, tôi gả em gái cho”. Tôi nghe cứ tưởng anh ấy đùa nhưng cũng mở lời nhờ anh ấy giới thiệu. Cuối cùng, qua nhiều lần tìm hiểu, viết thư qua lại, chúng tôi nên duyên vợ chồng.
Cưới xong, chúng tôi chỉ ở bên nhau có một tuần. Sau đó, tôi phải trở về đơn vị tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Tôi thấy cuộc đời mình may mắn khi lấy được bà nhà tôi. Năm 1964, tôi đi Nam biền biệt tới 8 năm. Thỉnh thoảng về thăm nhà được vài ngày rồi quay lại chiến trường. Năm 2000, khi tôi nghỉ hưu, hai vợ chồng mới có thời gian gần nhau. Một mình bà nhà tôi vừa làm việc vừa nuôi 4 con (1 trai, 3 gái) nên người.
Là vợ chồng từng đấy năm nhưng chúng tôi chưa bao giờ xảy ra cãi vã, to tiếng và đặc biệt tin tưởng nhau. Cũng chính sự tin tưởng của vợ khiến tôi có thêm động lực, sức mạnh, vững vàng tham gia chiến đấu cùng đồng đội.
Suốt những năm tháng chiến đấu, bà ở nhà thay ông nuôi các con, có kỷ niệm nào về gia đình khiến ông luôn nhớ cho đến giờ?
-Bốn người con sinh ra nhưng tôi đi biền biệt, vợ chồng thời kỳ lấy nhau nhưng ở bên nhau không là bao. 4 lần vợ tôi sinh con thì có tới 3 lần không có tôi bên cạnh. Vợ tôi có tới 37 năm làm trưởng trạm y tế. Bận rộn là thế nhưng vẫn cố gắng chăm lo cho các con.
Tôi nhớ nhất kỷ niệm khi sinh cô con gái út năm 1976. Lúc đó, tôi đang làm quản lý khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thì có bạn ở Tổng Cục Chính trị điện thoại vào nói vợ sinh con trai. Tôi mừng quá mua mấy két bia chai chiêu đãi, uống xong mọi người với nhau nhau bảo “Ông bị hớ rồi, con trai nhưng giống mẹ như đúc” (cười). Trước đó, tôi có 1 con trai cả và thêm cô út nữa là 3 con gái. Vì mình chỉ nghĩ đơn giản là cân bằng 2 trai, 2 gái thì sẽ thích hơn!
Là vị tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, điều này có ảnh hưởng tới việc dạy dỗ các con của ông không?
Cả 4 người con của tôi sau đều tham gia môi trường quân đội, cháu nội cũng theo nghiệp cha ông. Tôi không bao giờ bắt buộc các con theo nghiệp của mình nhưng sẽ phân tích, gợi ý giúp con nghĩ lâu dài, bền vững và cống hiến cho Tổ Quốc.
Tôi luôn nhắc nhở các con giữ vững phẩm chất đạo đức, yêu thương nhau, đùm bọc nhau, khó khăn cùng giải quyết, không được tị nạnh. Giờ các con có cháu nội, cháu ngoại nhưng chưa bao giờ to tiếng, chưa bao giờ xích mích. Với tôi, hạnh phúc nhất trong gia đình đó là chưa bao giờ cãi vã nhau. Tôi cũng chưa bao giờ quát tháo ai từ đồng đội cũng như các con.
Từ cán bộ tiểu đoàn đến trung đoàn, quân khu, tôi chưa bao giờ to tiếng. Dù anh em có khuyết điểm đến đâu cũng khuyên nhủ, giáo dục. Trước có người bạn trung tá, tham mưu trưởng sư đoàn bị kỷ luật, cậu ấy rất chán nản. Tôi thường xuyên gặp động viên phấn đấu giữ gìn phẩm chất rồi sẽ trưởng thành. Sau này, đồng chí ấy luôn nỗ lực cố gắng và rất biết ơn tôi.
Trải qua hơn 20 năm nghỉ hưu, hiện tại, Trung tướng mong muốn điều gì với bản thân, gia đình?
-Năm 2000 về hưu, tôi tham gia công tác ở phường, rồi đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội, 10 năm làm Trưởng ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên… Đến năm gần 80 tuổi, tôi quyết định nghỉ hẳn ở nhà.
Tôi mong các con trưởng thành, giữ vững truyền thống của gia đình. Sống phải có mục tiêu, làm gì phải giữ phẩm chất của người con, của gia đình, giữ phẩm chất dòng họ, tổ tiên. Ngã ở đâu phải tự mình đứng dậy, cố gắng vươn lên. Cuộc đời mình tôi không bao giờ tiếc nuối điều gì, giữ tâm mình trong sáng tác động con cháu, để con cháu noi theo.
– Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng và xin chúc ông thật nhiều sức khỏe và luôn hạnh phúc bên gia đình!